Số: CV số 942/SGDĐT-GDTH V/v hướng dẫn dạy học trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19
Số: 942/SGDĐT-GDTH V/v hướng dẫn dạy học trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19
UBND TỈNH THANH HOÁ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Số: 942/SGDĐT-GDTH V/v hướng dẫn dạy học trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19 | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Thanh Hoá, ngày 13 tháng 4 năm 2020 |
Kính gửi: Phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố.
Dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp, học sinh trên địa bàn tỉnh tạm thời nghỉ học để phòng, chống dịch. Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các đơn vị triển khai một số nội dung đối với cấp Tiểu học trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng chống dịch, cụ thể như sau:
1. Tiếp tục chỉ đạo các trường tiểu học, các trường có lớp tiểu học (sau đây gọi tắt là các trường) chủ động xây dựng kế hoạch, duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình học sinh, giữa giáo viên (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp) với học sinh. Qua đó có những biện pháp, cách làm linh hoạt để giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học, tự ôn tập, củng cố kiến thức các bài đã học tại nhà, kiểm tra, nắm bắt tình hình học tập của học sinh (đặc biệt là học sinh lớp 5) qua các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và nhà trường.
2. Chỉ đạo các trường quán triệt giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin; huy động, tranh thủ sự hỗ trợ của giáo viên tin học, giáo viên am hiểu về công nghệ thông tin tham gia vào hoạt động dạy học trực tuyến. Tiếp tục phối hợp với nhà mạng để triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến miễn phí, khai thác và sử dụng các chương trình, phần mềm trực tuyến miễn phí. Cụ thể là:
- Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã phối hợp với Viễn thông Thanh Hóa và Viettel Thanh Hóa triển khai hệ thống giáo dục trực tuyến miễn phí, gồm: hệ thống VNPT- E-learning có tên miền http://thanhhoa.lms.vnedu.vn và hệ thống mạng xã hội học tập Viettelstudy có tên miền http://viettelstudy.vn. Đối với hệ thống VNPT E-Learning, các trường có thể khởi tạo site riêng của trường một cách nhanh chóng mà không cần cài đặt bất kì phần mềm nào, sử dụng phần mềm này, giáo viên sẽ có công cụ để quản lí và thiết kế kho bài giảng điện tử, bài kiểm tra cho học sinh một cách dễ dàng. Các tài liệu học tập sẽ được định dạng (như phim, ảnh…) và trực tiếp upload lên hệ thống hoặc từ bất cứ nguồn tư liệu sẵn có khác, như: YouTube, Google, Wiki… hoặc website của nhà trường.
- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã có hỗ trợ miễn phí các trường để tổ chức dạy học qua internet. Thông tin liên hệ dạy học trực tuyến do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hỗ trợ có tại địa chỉ https://olm.vn và thư điện tử a@olm.vn.
- Các trường cập nhật thông tin, giới thiệu cho giáo viên và học sinh thường xuyên tham khảo lịch phát sóng các bài học trên truyền hình, như: Đài Truyền hình Hà Nội; lịch phát sóng dạy học trên truyền hình do Bộ GDĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng (Kênh VTV7 và một số kênh truyền hình trung ương khác); một số kênh truyền hình được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT, đồng thời tham khảo các bài dạy trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Sở GDĐT Thanh Hóa và Sở GDĐT một số tỉnh, thành trong cả nước.
- Các trường chỉ đạo giáo viên sử dụng các phần mềm Zoom, YouTube, Zalo, ...; lựa chọn nội dung ôn tập, củng cố kiến thức, các bài giảng đã được ghi hình, quay video… gửi cho học sinh thông qua các hình thức khác nhau trên hệ thống tin nhắn, email, group của lớp, trang website của trường, liên lạc điện tử; có thể thông qua hoạt động như dạy học trực tuyến, hoặc thông qua các ứng dụng OTT như Viber, Zalo… Các hình thức này cho phép học sinh nghỉ ở nhà nhưng vẫn có thể tương tác với thầy cô, nhận nhiệm vụ học tập, được giáo viên chấm bài, chữa bài.
3. Chỉ đạo các trường lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao của các môn học thiết kế bài giảng ôn tập, củng cố kiến thức. Tổ chuyên môn tiến hành góp ý bài giảng và thực hiện ghi hình các tiết dạy. Các trường duyệt và đăng bài trên YouTube, gửi các đường link bài giảng đến học sinh thông qua tin nhắn, Facebook, Viber hoặc Zalo của các khối lớp. Sau đó, các trường lựa chọn những bài giảng có chất lượng gửi về phòng GDĐT để phòng duyệt. Phòng GDĐT gửi bài giảng về Sở GDĐT để Sở xem xét lựa chọn đưa bài lên Cổng thông tin điện tử của ngành làm tài liệu tham khảo chung.
4. Các trường chỉ đạo tổ chuyên môn của trường thống nhất chương trình các bài dạy, tiến hành xây dựng thời khóa biểu hợp lí, khoa học theo từng tuần. Phân công giáo viên soạn giáo án online. Giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn thông qua các kênh thông tin khác nhau để liên lạc với học sinh, hỗ trợ học sinh online theo thời khóa biểu, cung cấp đầy đủ tài khoản, lịch học, hướng dẫn cách đăng nhập để tham gia học tập…; sử dụng tin nhắn điện tử để thông tin đến phụ huynh học sinh, tạo sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc quản lí học tập của học sinh.
5. Giáo viên và phụ huynh học sinh giúp đỡ học sinh lập thời gian biểu thật hợp lí giữa việc tự học, nghỉ ngơi, phòng chống dịch bệnh và phụ giúp việc nhà. Yêu cầu giáo viên thường xuyên liên hệ với gia đình học sinh, cập nhật, nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe của các em; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lí hoạt động học tập của học sinh qua internet, trên truyền hình, và nhận xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh. Tạo cho học sinh tâm thế sẵn sàng quay trở lại trường học khi dịch bệnh được đẩy lùi.
6. Khi học sinh đi học trở lại, các trường cần tổ chức rà soát đánh giá kết quả học tập của học sinh, từ đó yêu cầu giáo viên rà soát tinh giản nội dung dạy học trên cơ sở nội dung dạy học tỉnh giản của Bộ GDĐT và điều chỉnh kế hoạch dạy học đảm bảo cho học sinh có đủ kiến thức, kĩ năng để hoàn thành chương trình lớp học theo quy định điều chỉnh khung thời gian năm học của tỉnh.
7. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch Covid-19. Sở GDĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, nắm tình hình triển khai thực hiện hoạt động dạy và học của các đơn vị; thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình dịch bệnh và sự chỉ đạo của Bộ GDĐT để có hướng dẫn tiếp theo, kịp thời khi có diễn biến mới.
Nhận được công văn này, đề nghị các phòng GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các trường khẩn trương triển khai thực hiện. Nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện, các đơn vị báo cáo về Sở GDĐT (qua Phòng GDTH) để Sở nắm bắt tình hình và có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: KT.GIÁM ĐỐC
- Như trên (thực hiện); PHÓ GIÁM ĐỐC
- Giám đốc, các Phó GĐ (chỉ đạo);
- Các phòng cơ quan Sở (phối hợp);
- Lưu: VT, GDTH. (Đã kí)
Trần Văn Hòa